Thứ Hai, 18 tháng 12, 2017

Một ngày mưu sinh của người mua đồng nát

Một ngày của người thu mua đồ cũ đồng nát bắt đầu từ những sớm bình minh, có khi lờ mờ sáng, thậm chí là nửa đêm. Nếu là những ngày bình thường, họ bắt đầu hành trình làm việc từ khoảng 7h sáng; cùng nhau tập kết lại một điểm và chia ra những ngả đường quanh Hà Nội.

Bánh xe thồ lọc cọc đi đến đâu tiếng rao theo sau đến đấy. Những người đàn bà có dáng người ngồi lệch một bên hoặc hơi gù về đằng trước cứ đi hết ngõ sâu này đến ngách phố khác. Chỉ tại cái đôi quang đè nặng một vai, cái xe đạp thồ chất hàng đầy sọt, ngày này qua ngày kia mà dần làm đặc thù dáng người họ như thế.

Họ đi dép lê, giày bata bệt, có khi là không mang gì hết mà để chân trần tiếp đất. Họ đội nón, bịt khẩu trang kín mít. Không ai biết mặt mũi họ ra sao, chỉ biết rằng: Họ là người thu gom đồng nát
Sớm nào, điểm đầu tiên họ đến là đi theo những xe chở rác thành phố. Họ bới trong đống rác những đồ cũ phế liệu có thể tái sử dụng lại. Rồi họ sang những quán ăn, cửa hàng tạp hóa để kiếm một vài lon nước ngọt bỏ đi sau khi người ta dùng xong bữa sáng.


Cứ túc trực như vậy cũng hết nửa ngày, bánh xe họ lăn chuyển đến các địa điểm như bệnh viện, trường học, nơi công sở để thu mua giấy vụn, phế liệu. Điểm dừng chân trước giờ ăn trưa là những công trường xây dựng. Khoảng 12h kém, bảo vệ các công trường thường cho họ vào thu gom phế liệu công trình như vỏ bao xi măng, mẩu đinh, mẩu sắt thừa.

Bữa trưa thường bắt đầu khi đã quá giờ chiều. Bữa ăn chỉ là chiếc bánh mì mua từ sáng hay gói xôi, nắm cơm vừng để trong nàn xe. Họ ngồi bên vỉa hè ven đường, trên ghế đá gần vườn hoa hoặc tiện hơn là vừa đi vừa ăn nhưng trông vẫn rất ngon lành.

Chiều sang, họ đi qua những ngõ phố. Tiếng rao lại văng vẳng. Mỗi khi có ai đó gọi “ Đồng nát ơi…”, niềm vui lại rộn về. Một chiều tà kết thúc là những gánh hàng có khi là đầy quang, đầy sọt thồ, có khi là chẳng có thứ gì, tòng tèo vài ba cuộn tóc rối, nhưng cũng kết thúc một ngày lao động đầy mệt nhọc.

Đấy là một ngày làm việc bình thường, còn đối với những hôm được người ta hẹn bán cho từ hôm trước. Họ phải đi từ tờ mờ sáng cho đúng lịch hoặc về khi thành phố đã lên đèn.

Nhất là những hôm ở đâu có chương trình ca nhạc hay có sự kiện gì đặc biệt. Họ túc trực tới khi hội tan, tiệc tàn để thu gom lại vỏ chai, lon nước.

Kiếp đồng nát

Đến thăm khu xóm trọ của những người phụ nữ làm nghề này, chúng tôi mới hiểu được hơn về “cuộc đời đồng nát” qua những câu chuyện mà họ kể. Xóm trọ tềnh toàng với những túp nhà xây bằng gạch ba vanh lợp tấm bờ lô xi măng. Phòng trọ chỉ hơn chục mét vuông có tới năm, sáu người ở. Trong phòng là những sách báo cũ, giày dép cũ, đồ dùng cũ và quần áo cũ phơi chằng chịt. Chiếc xe đạp thồ, quang gánh, cân kéo để góc phòng là tài sản lớn nhất của xóm trọ.

Cô Đỗ Thị Hòa, người trong nghề lâu năm chia sẻ: “Cái đời đồng nát bắt đầu cũng chỉ vì ruộng đồng bị thu hoạch thành khu công nghiệp. Từ khi đưa các con lên Hà Nội học đại học, vợ chồng tôi cũng thuê nhà kiếm sống trên đây. Chồng tôi làm xe ôm, chở hàng thuê còn tôi đi thu mua bán đồ cũ đồng nát. Cái đời đồng nát bắt đầu từ đấy, đến nay tôi vẫn nói cười với con tôi rằng: “ Đời đồng nát nuôi chúng mày ăn học cả đấy!””.

Có người kiếm tiền thật dễ dàng, nhưng với những người thu mua đồng nát thì không dễ chút nào
Cô Hòa có vóc dáng nhỏ bé. Bàn tay cô bị mất một đốt ở ngón giữa. Tôi hỏi ra mới biết do một lần đi theo dân xây dựng thu mua sắt, trong khi tháo sắt từ các khối bê tông, trời tối quờ quạng cô nện búa vào tay. Vết thương không được chữa trị ngay, bị nhiễm trùng vì tiếp xúc với các chất bẩn nên phải cắt bỏ. Cuộc sống của người thu gom đồng nát cũng giống như cái dáng người lúc nào cũng phải cúi đầu, lụi hụi của cô đã gợi lại sự vất vả vô cùng.

Chị Bùi Thị Thảo tại thôn Biên Giang, Hà Đông, Hà Nội kể: “Cả ngày chúng tôi phải phơi mặt trên đường, đạp xe hai mươi tới ba mươi cây số. Tối về ê ẩm cả đầu gối và người. Mùa đông đạp xe còn đỡ mệt. Mùa hè, trời nắng như lửa đốt, hơi nóng từ mặt đường bốc lên, mồ hôi chảy khét lẹt. Mùa mưa vẫn phải quàng áo mà thu mua, rao hàng. Không lao thân như vậy thì không có gì để trả tiền điện nước, tiền nhà, tiền ăn, tiền sữa nuôi con nhỏ hàng tháng, trăm thứ tiền…” Nói đến đây chị Thảo vừa lau mồ hôi lấm láp vừa vạch cái khẩu trang đến ngang mặt để chúng tôi đủ nhìn thấy khuôn mặt sạm đen đầy vết nám do bụi “đời đồng nát” của chị để lại.

Chị Nguyễn Thị Mai tại Đồng Mai, Mai Lĩnh, Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Cả ngày mài mặt trên đường chúng tôi chỉ kiếm được từ sáu mươi đến tám mươi nghìn đồng. Mỗi cân giấy chúng tôi mua với giá 2.000 đồng có lãi 500 đồng. Một ngày trung bình mua được vài chục cân cùng với ít sắt vụn, chai nhựa, ống bơ. Có khi lại bị lỗ vì mua hàng về không bán được cho chủ”.

Chị Mai tâm sự, công việc vất vả, thu nhập bèo bọt còn bị người đời khinh rẻ, miệt thị. Nhiều lần rao hàng trong phố chị bị người ta xua đuổi. Nhiều người nghĩ nghề đồng nát chuyên ăn dỗ trẻ con, lừa bịp, ăn trộm, ăn cắp. Có những người ác khẩu, bán rẻ cho họ vài đồ dùng bỏ đi rồi gọi họ bằng đại từ khó nghe như “mụ đồng nát” hay “bọn đồng nát”.

Nhưng trong cuộc sống mưu sinh gập ghềnh của những chiếc xe thồ lọc cọc của bước chân oằn nặng đôi quang gánh quẩy hàng; những người phụ nữ vẫn tìm thấy niềm hạnh phúc nhỏ nhoi trong kiếp đời “đồng nát” của mình.

Chị Mai nói: “Nghề đồng nát chúng tôi tuy nghèo khó tiền chẵn nhưng giàu tiền lẻ lắm! Cả túi bóng tiền lẻ rõ to nhưng đếm ra chỉ vài ba chục. Tôi cứ đút hết chỗ tiền lẻ này vào con lợn nhựa gom lại đầu năm gửi cho con đóng tiền học. Vào năm học mới, người ta cho sách giáo khoa, sách nâng cao, đồ dùng học tập cũ mang về cho lũ trẻ trong nhà, chúng nó vui lắm!”

Chị Mai chia sẻ xong, nói lời chào và kịp để lại nụ cười với tiếng rao hàng “ai đồng nhôm sắt vụn, dép nhựa hỏng bán không?” làm cho tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh của những buổi xế tà khi tiếng rao hàng kết thúc, mồ hôi vẫn vướng trên chán chị, nhưng những đứa trẻ ở xóm nhỏ, òa ra, tíu tít xúm quanh cái nàn nhỏ đặc sệt mùi “đồng nát” để tìm quà và đón mẹ chúng về.

Chợ đồ cũ thưởng thưởng chuyên mua bán đồ cũ lớn nhất tại Hà Nội:
Email: docu24h@gmail.com
Trung tâm:  cửa sắt giả gỗ, thanh lý ghế văn phòng, bàn ghế văn phòng thanh lý, thanh ly noi that van phong, bếp công nghiệp được bán thanh lý chợ đầu mối bắc thăng long – hải bối – đông anh – hà nội (ngay chân cầu thăng long )

Sưu tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét