Thứ Năm, 8 tháng 9, 2016

Chợ đồ cũ hay chợ lạc-xoong ở Sài gòn

Nằm sâu trong con hẻm nhỏ ngoằn nghèo trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, chợ lạc-xoong, nằm trong quán cà phê Cao Minh hoạt động nhộn nhịp mỗi buổi sáng chủ nhật.

TP - Ở Sài Gòn, có nhiều loại chợ, cả thông thường và khác thường, giống như cái sôi động và đa diện, đa sắc màu của thành phố. Nằm trong số các chợ tạm gọi là không thông thường, có chợ lạc-xoong, hay nói đơn giản hơn là chợ đồ cũ.

Quận 5, quận 10, Bình Thạnh hay Gò Vấp, đều có chợ lạc-xoong, vốn ra đời và thịnh hành từ rất lâu cùng với xứ Sài Gòn-Gia Định này.


Chợ phiên

Chợ bán đồ cũ đã qua sử dụng, từ chiếc hộp quẹt đến bàn ủi con gà hay đôi dép nhựa “thời xa vắng”. Xen lẫn đó là những món đồ cổ được sưu tầm từ nhiều nơi trong nước cũng như trên thế giới, giá không hề rẻ.

Ông Phước Nguyễn (74 tuổi, ngụ quận 3) là khách quen của chợ lạc- xoong này. Như nhiều người Sài Gòn xưa đã quá quen với chợ đồ cũ, ý thức về việc sưu tầm, mua đi bán lại luôn có trong ông. Không phải chỉ nhằm kiếm lời, lắm khi đơn giản là một thú vui. Gia đình ông định cư ở Mỹ nên mỗi lần “qua bển”, ông mang về đồng hồ, hộp quẹt cũ vừa trưng bày vừa bán, cốt để giao lưu.

Hôm nay ông mang đến đây một số hộp quẹt, chiếc máy ảnh cũ hay máy cần câu. Chỉ có một ít đồ cũ nhưng ông nói tổng giá trị cũng trên 2.500 USD.

“Nói là chợ nhưng người bán ít khi nói thách, người mua cũng không cần mặc cả mà chỉ cần tìm được món đồ ưng ý. Đôi khi người ta đến đây không phải để mua, cũng chẳng phải để bán, đơn giản để ngắm nhìn và hoà vào không khí nhộn nhịp nhưng không ồn ào của phiên chợ”.

Nói là chợ nhưng người bán ít khi nói thách, người mua cũng không cần mặc cả mà chỉ cần tìm được món đồ ưng ý. Đôi khi người ta đến đây không phải để mua, cũng chẳng phải để bán, đơn giản để ngắm nhìn và hoà vào không khí nhộn nhịp nhưng không ồn ào của phiên chợ. Nhiều người mang món đồ cũ ra đổi lấy món khác.

Nhưng đồ lạc-xoong không phải là hàng xôn, tức là hàng quá đát, mang ra bán cả loạt, mà là hàng xài rồi và người buôn đồ lạc- xoong cũng như người mua, muốn mua được món hời là phải “nhiều khi với con mắt tinh đời, sẽ gặp đồ cổ quý, Minh, Khang Hy, ẩn tàng trong đám bạc xôn chợ trời” (trích Vương Hồng Sển-Tự vị tiếng Việt miền Nam-PV). Cũng có nhiều tranh cãi xung quanh hai từ “lạc-xoong”.

Người thì nói đây là từ ghép “lạc” ý là thất lạc, rơi, mất (Hán Việt) ghép với từ “solde” tiếng Pháp nghĩa là bán xôn, bán hạ giá. Nhưng có người giải thích rằng lạc-xoong đơn   giản là “l’auction” nghĩa là bán đấu giá. Nghe hợp lý hơn nhiều.

Mấy câu thơ lục bát nói về quang cảnh Sài Gòn xưa “Lớp xe về lối ngoài trong/Lớp đi theo dõi mấy ông dọn nhà/Nhà in, nhà thuốc, nhà chà/Nhà hàng ăn ngủ với nhà lạc-xoong” xuất hiện trong một cuốn sách xuất bản năm 1909 chứng tỏ chợ lạc-xoong đã có ở Sài Gòn từ rất lâu.

Dạo một vòng chợ, “săn” được một chú ngựa cổ bằng đồng với giá gần 2 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Mai (32 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bảo, chị thích sưu tầm đồ cổ. Hầu như cứ chủ nhật là chị lại đến đây dạo quanh một vòng.

Tìm thấy món đồ gì hay hay, thích thì mua, hoặc khi có món đồ nào không dùng nữa chị đem ra bán, hoặc cũng có hôm chỉ đến uống cà phê nhìn mọi người mua bán như một cách thư giãn. Chị Mai bảo: “Hiện tại trong nhà tôi có khá nhiều đồ cổ, đa số được mua ở chợ này. Chơi chán có khi đem ra bán lại hoặc đổi đồ khác”.


Hôm nay anh Nhân mang tới chợ mấy chiếc cassette, máy hát quay đĩa và những chiếc đĩa than, đồng hồ, tiền cổ. Anh bán hàng ở đây đã lâu. Người bán không phải thuê mặt bằng, chỉ cần đăng ký chỗ trước với chủ quán, mỗi phiên chợ đến dọn hàng bán chỉ cần uống một ly cà phê.

Theo anh Nhân, bán hàng ở đây cũng tuỳ duyên và tuỳ phiên, có phiên bán được gần chục triệu đồng nhưng cũng có khi đứng cả buổi chả ai hỏi mua gì. Hôm nay, chiếc máy hát của anh mới trưng ra được một lúc liền có khách đến hỏi mua.

Sau một hồi kiểm tra, nghe thử, vị khách móc ví trả tiền mua ngay cả máy lẫn số đĩa hát với giá hơn 3 triệu đồng mà không hề một lời mặc cả. “Mình có sở thích sưu tầm đồ cổ, nghe đến chợ này lâu rồi nhưng chưa có cơ hội đến thăm. Hôm nay lần đầu tiên đến và mua được chiếc máy hát này cũng coi như có duyên rồi”, chị Phan Thị Hương (34 tuổi) nói.

Không giống chợ lạc- xoong kiêm quán cà phê Cao Minh, chỉ họp một phiên chủ nhật hằng tuần, khu vực Lý Thường Kiệt, Lý Nam Đế, Vĩnh Viễn (quận 10, quận 11) là cả loạt cửa hàng lạc –xoong mở cửa 7 ngày một tuần, mua bán thượng vàng hạ cám: từ điện thoại, máy tính xách tay, sạc pin, radio, đàn guitar cho đến tiền cổ, quần áo lính thời trước, hòm đàn, bi đông quân dụng… Dân mua bán ở đây gồm cả những người sưu tầm, cả những người “kiếm cơm”.

Người mua có thể thấy lại những chiếc điện thoại Nokia 3310 từng vang bóng một thời được bày cả đống trên mặt bàn, hay những chiếc iPhone 1,2,3 được chuốt lại long lanh. Nhưng nếu không có “nghề” rất có thể dính đồ Trung Quốc. Hàng chục cửa hàng lạc-xoong mua bán tấp nập.

Để kiếm ăn ngon lành, những chủ cửa hàng phải rất rành rẽ các loại đồ. Chỉ cần nhìn qua một món đồ nào đó, họ phải ngay lập tức đánh giá hàng có bán lại được không và bán được với giá nào. Khách đến chợ này cũng đa dạng: từ người săn đồ cũ giá rẻ, người sưu tầm và chắc chắn là cả những tay trộm cắp.


Lạc-xoong online

Nguyễn Nguyên Minh (chủ cửa hàng bán đồ cũ trên mạng tại địa chỉ www. mbdc.com) từng trải qua nhiều công việc liên quan đến internet, xây dựng nên thường xuyên mua lại đồ dùng văn phòng như bàn ghế, tủ, máy tính cũ rồi bán lại kiếm lời.

Dần dần thấy công việc hợp, tiền cũng khá nên đầu năm 2012, Minh mở công ty mua bán đồ cũ, có trụ sở ở quận Gò Vấp. Nói là đồ ve chai nhưng những món đồ Minh bán đa số còn mới đến 90 – 95%. Hiện nay trung bình mỗi tháng anh Minh lãi khoảng 50 triệu đồng.

Nghề lạc-xoong tuy không cần vốn lớn một lúc nhưng lúc nào cũng phải có tiền dự trữ bởi mỗi lần đối tác gọi là phải xuất vốn liền nếu không rất dễ mất mối. “Ví dụ mua do cu lô hàng của công ty này hết 80 triệu, đem về kho có khi bán mỗi lần vài thứ thu lại vài triệu đồng, khi có mối khác cả trăm triệu cũng phải có tiền ngay”, anh Minh nói.

Mua đồ cũ lắm khi vớ được món hời bất ngờ những nhiều khi cũng lĩnh quả đắng. Cách nay chừng một năm, anh Minh nhận được mối hàng hơn 50 bộ bàn ghế salon của một nhà hàng. Đồ cũ quá nên anh không muốn mua. Chủ hàng năn nỉ và hạ giá nên anh mua hết chở về kho để. Một thời gian sau do đồ quá cũ và không bán được nên anh đành đem đi đốt hết.

Sau ba năm kinh doanh, anh Minh có nhiều mối quan hệ với các công ty, ngân hàng lớn. Đây là nguồn thu chính của anh bởi những công ty nước ngoài, ngân hàng lớn thường xuyên thay đổi nội thất.  Mỗi khi những công ty này thanh lý đồ đạc, anh lại có một món hời lớn bởi có những món đồ chưa hề sử dụng. Hoặc khi ngân hàng siết nợ các công ty điện máy, giá mỗi món hàng khi ra siêu thị bán ra từ 800 đến 1,3 triệu đồng nhưng giá gốc của nhà sản xuất chỉ 100 đến 200 nghìn đồng. Minh mua hết về bán, ít nhất cũng lời 20%-30%.

Sự náo nhiệt và đa dạng trong đời sống ở Sài Gòn khiến chợ lạc-xoong Sài Gòn cũng đa dạng và náo nhiệt theo. Ngoài những phiên chợ lặng lẽ, ý vị và đầy chất văn hóa, cũng không thiếu những cái chợ mà nghe qua cũng thấy mệt mỏi. Có loại chợ mà một số người có xe ô tô, nhất là xe sang, chẳng bao giờ muốn tới.

Giới tài xế đồn đại đoạn đường Kinh Dương Vương gần bến xe miền Tây tập trung rất nhiều cửa hàng bán phụ tùng ô tô cũ. Và đây cũng là điểm đến của giới luộc đồ xe hơi. Giang hồ cũng nói nếu chiếc Lexus của bạn một ngày đẹp trời mất gương chiếu hậu, cứ ra chợ Dân Sinh (Nguyễn Công Trứ, quận 1) mà tìm thế nào cũng thấy. Chỉ có điều phải mua lại theo kiểu lạc-xoong, nhưng giá thì không hề rẻ chút nào.

ĐT : 04.3951.8242 - 0985.818.227
Liên hệ : Nguyễn Văn Thưởng
Trung tâm chợ : Chợ thanh lý nội thất văn phòng ( ngay chân cầu thăng long ) điều hòa, mua đồ cũ các loại tủ nhôm kính thiết bị văn phòng bếp công nghiệp. Ngoài ra, chúng tôi còn đã qua sử dụng nhà hàng quán ăn, khách sạn đồ cổ giả cổ.
Sưu tầm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét