Chủ Nhật, 8 tháng 1, 2017

Mua đồ cũ quần áo tại nhà kho ký gửi Give Away



Gọi là nhà kho ký gửi quần áo cũ  nhưng Give Away bài trí như một tiệm quần áo, giày dép thời trang với không gian trẻ trung và thân thiện. Khách đến đây đa số là người trẻ hoặc đi theo dạng gia đình. Hướng mắt về phía hai cô con gái đang tíu tít lựa đồ, bà Bùi Liên Anh (ở Q.Gò Vấp) nói bà đưa con đến đây đã ba, bốn lần.


                              

Sáng cuối tuần, không gian chừng 60m2 của tiệm Give Away (Q.Bình Thạnh) gần như chật kín bởi hàng chục bạn trẻ đang loay hoay chọn lựa các món đồ. Dù 9g tiệm mới mở cửa nhưng trước đó nửa tiếng, nhiều người đã đến chờ “săn” những món hàng độc đáo với mức giá gây bất ngờ.

Giờ đây, những món đồ cũ nếu không dùng nữa người ta vẫn có thể định giá cho chúng thông qua những “nhà kho” ký gửi. Mô hình này mới xuất hiện ở Sài Gòn nhưng có sức hút đáng kể đối với người mua lẫn người bán.

Hết đắn đo chọn chiếc váy dài rồi ngó sang chiếc áo sơmi cổ điển, Minh Trang (sinh viên) cuối cùng cũng chọn được cho mình 4-5 kiểu áo váy. Trang hào hứng: “Đi hàng ký gửi mình có thể thoải mái lựa chọn những món đồ tuy đã qua sử dụng nhưng chất lượng vẫn ổn. Giá mỗi món chỉ vài chục ngàn đồng trở lên”.

Còn bạn Thanh Thùy lần đầu đi mua đồ cũ hàng ký gửi nhận xét: “Thay vì chen chúc trong chợ phiên với quá nhiều món đồ được bày bán hoặc lê la các shop thời trang, việc mua sắm hàng ký gửi đỡ tốn thời gian mà giá lại mềm hơn”.

Bà nhận xét: “Mấy đứa nhỏ thường khoái kiểu dáng lạ mắt, mặc một thời gian sẽ chán nên những mặt hàng như vậy rất phù hợp. Có bữa tôi cũng lựa được mấy kiểu cho mình”.



19g, tiệm Second Chance (Q.1) với không gian nhỏ nhắn, ấm cúng cũng đang đón khoảng 10 khách đến mua hàng. Người loay hoay bên những đôi bốt da, người chọn bộ đầm, người đang chăm chú nghe nhân viên tư vấn cách phối đồ... Ngọc Hằng (25 tuổi, chủ tiệm) cho biết tiệm thường đông vào chiều tối và ngày cuối tuần.

Ở tiệm Consignista (Q.3), hàng ký gửi được bài trí đẹp mắt không thua gì hàng mới và lượng khách ghé đến khá đông dù đã gần đến giờ đóng cửa.

Một số tiệm chỉ nhận ký gửi số lượng ít, như trường hợp tiệm Ustore (Q.Tân Phú) chỉ nhận ký gửi cho người quen. Mặt hàng ký gửi ở đây cũng khá đa dạng: quần áo, phụ kiện, mỹ phẩm... Vài tiệm bán đồ do chủ tiệm tự thiết kế như May Hẻm (Q.3), N (Q.1)... Đó là chưa kể hình thức bán đồ cũ ký gửi qua mạng do người chủ chưa đủ điều kiện thuê mặt bằng mở tiệm.

 “Luật” ký gửi

Theo Hồng Loan (23 tuổi, chủ hệ thống Give Away), hiểu đơn giản nhà kho ký gửi là nơi nhận các mặt hàng đã qua sử dụng hoặc còn mới nhưng không dùng do cá nhân hoặc các shop đem đến. Với những điều kiện cơ bản như hàng vẫn còn sử dụng được, không hư hỏng, lỗi thời, người ký gửi sẽ tự định giá những món đồ của mình.

 “Sau khi thỏa thuận mức giá từ 30.000-150.000 đồng/món tùy chất lượng, tiệm sẽ đưa người ký gửi một tấm thẻ thành viên. Sau khoảng thời gian quy định, người ký gửi sẽ nhận số tiền bán các sản phẩm đã trừ phí dịch vụ” - Loan cho biết.

Thời gian ký gửi tùy quy định của từng tiệm. Give Away là 50-70 ngày, Second Chance là 40-70 ngày, Consignista là 50 ngày... Ngọc Hằng cho biết ưu điểm của mô hình kinh doanh này là người chủ không cần bỏ nhiều vốn.

“Hơn nữa, đồ ký gửi phù hợp nhiều đối tượng khách hàng, mặt hàng lại đa dạng, giá rẻ hơn nhiều so với hàng mới nên khá dễ bán. Thi thoảng cũng có hàng hiệu giá rẻ nên khách rất thích” - Hằng nói. Tương tự, Minh Trí (30 tuổi, chủ tiệm Ustore) nhận định việc bán hàng ký gửi “dễ thở” hơn là đầu tư mở tiệm 100% hàng mới vì sẽ phát sinh rất nhiều chi phí.

Còn Hồng Loan cho biết từ một tiệm Give Away ban đầu ở Q.10, hiện đã mở thêm hai chi nhánh ở TP.HCM và một ở Hà Nội.


Dĩ nhiên, việc ký gửi những món đồ không dùng nữa đã tạo thêm một khoản thu nhập cho người ký gửi. Sau khi biết có dịch vụ này, Hương Trà (29 tuổi, ở Q.Phú Nhuận) đã ký gửi chừng 10 món đồ để thử xem tiệm có bán được không. Sau đó cô tiếp tục và lần gần nhất đã ký gửi hơn 30 món đồ, từ quần áo, giày dép, vòng đeo tay... Trà chia sẻ: “Mỗi món mình để giá chừng 50.000-100.000 đồng, sau 30 ngày tiệm sẽ thông báo đã bán được những món nào. Mình cũng nhẹ người bởi đã tống khứ được đồ thừa”.

Theo Trà, việc ký gửi hầu như không có gì rắc rối vì giữa khách và chủ tiệm đã đưa ra những quy định cụ thể về chất lượng đồ, giá tiền, mức phí dịch vụ. Người ký gửi cũng không lo đồ đạc thất lạc bởi nhân viên tiệm đã đánh số, tạo mã (code) cho sản phẩm.

Trọng Danh (32 tuổi, chủ một shop thời trang đã thanh lý ở Q.Bình Thạnh) cho biết thay vì bán đổ bán tháo quần áo trong tiệm, Danh đã đem ký gửi và nơi ký gửi đã bán thanh lý đồ cũ được hơn 70% các món đồ. Danh nói: “Mô hình này đã giải quyết được câu chuyện xử lý đồ cũ và còn sinh lời. Tôi nghĩ nó sẽ còn phát triển trong thời gian tới”.

Tiềm năng và rủi ro

Thị trường TP.HCM tạo nhiều thuận lợi cho người kinh doanh hàng ký gửi với ưu điểm: số lượng lớn người trẻ thường xuyên mua sắm, giá rẻ, tìm mặt bằng không quá khó, có thể tận dụng mạng xã hội để bán trực tuyến và quảng bá hàng hóa... Tuy nhiên, theo các chủ tiệm, việc kinh doanh hàng ký gửi tưởng chừng đơn giản nhưng nếu thiếu kiên nhẫn và sự đầu tư về thời gian, công sức thì khó có thể phát triển.

Kinh doanh hàng mới đã khó, kinh doanh hàng ký gửi càng khó hơn vì chủ tiệm giống như trung gian giữa người ký gửi và người mua nhưng cũng phải bảo đảm có lời cho mình. Tiền lời này từ phí dịch vụ nếu bán được sản phẩm, từ 10.000-30.000 đồng đối với sản phẩm dưới 150.000 đồng, 20% nếu sản phẩm cao hơn 150.000 đồng... Cũng có “nhà kho” tính theo thời hạn bán được sản phẩm, sản phẩm càng để lâu phí sẽ cao hơn do tiệm phải tốn công sức bảo quản, lưu kho.

Bích Tuyền (23 tuổi, phụ trách chi nhánh Give Away) cho biết cô cùng các nhân viên phải kiêm luôn vai trò “người mẫu” quảng cáo cho sản phẩm trên mạng xã hội. “Khi nhận hàng, tụi mình phải kiểm tra thật kỹ mẫu mã, tình trạng sản phẩm. Khách đưa ra giá quá cao thì tụi mình tư vấn để có mức giá hợp lý” - Tuyền nói.

Ngoài những yếu tố chiều lòng cả người ký gửi lẫn người, chủ tiệm còn nghĩ ra nhiều “chiêu” thu hút khách. Từ khi mới mở, Give Away đã tổ chức mỗi tháng một lần “Ngày hội từ thiện” để tiêu thụ những món đồ khách ký gửi quá hạn nhưng không nhận lại, đồng thời thu hút khách mua những sản phẩm khác. Số tiền bán được sẽ đưa vào quỹ từ thiện hoặc mua quà cho trẻ mồ côi. Các “nhà kho” còn đến tận nhà khách ở xa trung tâm để nhận đồ ký gửi, chấp nhận chỉ tính phí trên những món đồ đã bán được...

Trong hàng chục điểm bán hàng ký gửi cũng có vài điểm phải ngưng hẳn hoặc tạm ngưng hoạt động. Lý giải về việc “phá sản”, một số chủ tiệm cho biết do không lường được những khó khăn khi kinh doanh mặt hàng này. Mở tiệm Ooldew năm 2014 và ngưng bán cách đây vài tháng, Minh Thuận (27 tuổi, Q.Tân Bình) cho biết ban đầu rất hứng thú với mô hình nhà kho ký gửi. Sau một thời gian, Thuận nhận thấy đồ cũ khó tiêu thụ. “Bây giờ bỏ mấy chục ngàn đồng là người ta có thể mua được cái áo mới, vì vậy nếu bán đồ cũ phải biết chọn hàng độc lạ mới hút khách” - Thuận nói.

                      

Tương tự, Thanh Tùng (26 tuổi, chủ tiệm Born 1989 ở Q.3) cũng ngưng bán gần một năm nay. Tùng cho biết: “Tuy lợi nhuận từ việc bán hàng ký gửi cũng ổn nhưng người bán tốn rất nhiều thời gian cho sản phẩm, chưa kể chất lượng không đồng đều giữa các mặt hàng... nên rủi ro cao hơn bán sản phẩm mới”. Còn Yến Phi (26 tuổi, chủ trang mạng Old Word New Thing) vừa ngưng bán cho rằng nếu người bán không dành hết tâm trí để làm mới trong tiếp thị thì rất dễ... dẹp tiệm.

Mô hình ký gửi trên thế giới

Mô hình ký gửi tồn tại ở các nước phương Tây dưới hình thức ký gửi trực tiếp lẫn trực tuyến. Để ký gửi, khách có thể mang những món đồ của mình đến cửa hàng hoặc nhân viên sẽ đến tận nhà lấy. Hình thức trực tuyến được phát triển nhằm giúp người có nhu cầu có thể ký gửi thuận tiện hơn. Họ chỉ cần vào trang web của cửa hàng, tạo tài khoản, danh sách các mặt hàng và đăng hình ảnh lên trang web. Nếu hàng không thích hợp để bán, cửa hàng sẽ quyên góp cho các tổ chức từ thiện.

Khác với Việt Nam, cửa hàng ký gửi phương Tây có thể là nơi nhận và trưng bày mặt hàng cho khách đến chọn lựa hoặc đơn giản là nơi trung gian giới thiệu mặt hàng, người ký gửi sẽ tự giao hàng đến khách khi có người mua. Giá cả do cửa hàng đặt ra. Người ký gửi có thể nhận tiền khi hàng hóa của họ đã có người mua, hoặc cũng có thể nhận tiền ngay khi ký gửi. Các sản phẩm ký gửi khá đa dạng: từ đồ nội thất đến quần áo, đồ cổ, những món độc lạ…

Những cửa hàng ký gửi nổi tiếng có thể kể đến như: Second Time Around (chuyên nhận ký gửi thời trang, ra đời hơn 35 năm, có hơn 40 cửa hàng trên 12 bang của Hoa Kỳ), Once Upon A Child (chuỗi cửa hàng ký gửi quần áo, vật dụng, đồ chơi trẻ em, có hơn 300 cửa hàng ở Mỹ và Canada), Consignista.com (trang web ký gửi, ra đời năm 2012, cho phép ký gửi mọi vật dụng thời trang người lớn và trẻ em)...

“Nhà kho” ký gửi ở Việt Nam cũng được học hỏi từ các mô hình trên. Tuy mới phát triển nhưng mặt hàng ký gửi rất đa dạng: quần áo, phụ kiện, mỹ phẩm, đồ nội thất, gia dụng, đồ chơi trẻ em… Hà Nội được xem là địa phương đầu tiên phát triển mô hình “nhà kho” ký gửi, sau đó là TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Khách hàng có nhu cầu mua đồ thiết bị gia dụng gia đinh, đồ bếp công nghiệp nhà hàng quán ăn, đồ văn phòng vui lòng liên hệ:
ĐT : 04.3951.8242 - 0985.818.227
Liên hệ : Nguyễn Văn Thưởng
Trung tâm chợ : Chợ đầu mối bắc thăng long – hải bối – đông anh – hà nội ( ngay chân cầu thăng long )
Sưu tầm














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét