VOV.VN -Từ một người chuyên mua đồ vật cũ.. trong một thời gian ngắn, anh đã nắm trong tay khối tài sản lên tới cả trăm tỷ đồng.
Từ một người chuyên “mua của người chán, bán cho người cần” - tức mua bán những đồ vật cũ, bỏ đi, chỉ trong một thời gian ngắn, anh Nguyễn Văn Thưởng đã nắm trong tay khối tài sản lên tới cả trăm tỷ đồng.
Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Cty Thương mại và Dịch vụ Thưởng Thưởng Anh giàu lên nhờ việc thu mua đồ cũ. (ảnh minh họa) |
“Mua của người chán, bán cho người cần” - Anh là Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Cty Thương mại và Dịch vụ Thưởng Thưởng, nhưng anh bảo rằng cứ gọi mình là Thưởng chợ đồ cũ, tên đó gần gũi và cũng có nhiều người biết hơn.
Anh Thưởng kể, cách đây hơn 4 năm, khi từ Bắc Giang lên Hà Nội cùng người em chuyên nhận chuyển nhà, văn phòng trọn gói, anh nhận thấy có quá nhiều vật dụng vẫn còn có thể sử dụng tốt nhưng bị bỏ đi, vừa lãng phí lại gây hại cho môi trường. Trong khi đó, không chỉ ở các vùng quê mà ngay tại Hà Nội còn có rất nhiều người đang khó khăn không có tiền mua đồ mới. Xuất phát từ suy nghĩ đó, anh xin thu mua lại những vật dụng cũ với giá rẻ, rồi bán lại cho những người có nhu cầu.
Anh Thưởng kể, cách đây hơn 4 năm, khi từ Bắc Giang lên Hà Nội cùng người em chuyên nhận chuyển nhà, văn phòng trọn gói, anh nhận thấy có quá nhiều vật dụng vẫn còn có thể sử dụng tốt nhưng bị bỏ đi, vừa lãng phí lại gây hại cho môi trường. Trong khi đó, không chỉ ở các vùng quê mà ngay tại Hà Nội còn có rất nhiều người đang khó khăn không có tiền mua đồ mới. Xuất phát từ suy nghĩ đó, anh xin thu mua lại những vật dụng cũ với giá rẻ, rồi bán lại cho những người có nhu cầu.
Ban đầu, anh cũng chỉ dám thuê cửa hàng có mặt bằng khoảng 500m2 ở khu vực Bắc Thăng Long làm nơi tập kết hàng hóa và trao đổi mua bán. Nhưng sau một thời gian ngắn, diện tích này đã trở nên quá tải, buộc anh phải tìm một nơi rộng hơn. Khu chợ đầu mối Bắc Thăng Long bị bỏ không từ nhiều năm, với diện tích có mái che lên tới 20.000m2 là địa chỉ được anh nhắm tới.
Khi anh ký hợp đồng thuê lại toàn bộ diện tích chợ đầu mối bỏ không, hàng hóa vừa được chuyển đến thì người dân địa phương đã tới “quây” chợ và đòi gặp anh “nói chuyện”. “Thực sự, lúc đó tôi mới biết có rất nhiều gian hàng trong chợ đã được các hộ dân quanh đây mua lại. Chợ không hoạt động nên họ đành để không, vì vậy khi có người tự nhiên đến kinh doanh họ lên tiếng cũng là lẽ thường”, anh chia sẻ.
Theo “tối hậu thư” các tiểu thương đưa ra, trong 2 ngày, anh phải chuyển toàn bộ hàng hóa ra khỏi chợ. “Với số hàng hóa này, có đốt trong 2 ngày cũng không thể cháy hết, chứ đừng nói tới chuyện di chuyển. Ai có thể làm được việc này tôi xin tặng lại tất cả”, thấy tôi “cứng tiếng” và cam kết sẽ ký hợp đồng với từng hộ dân, họ mới chấp nhận thương lượng”, anh kể. Sau đó, mất gần 3 tháng kiên trì thuyết phục anh mới có thể ký kết thuê lại từng ki-ốt với các hộ dân để kinh doanh trên toàn bộ diện tích chợ.
Phất lên nhờ “vận rủi” - Khi mới bước vào kinh doanh, Nguyễn Văn Thưởng cũng gặp không ít trở ngại xuất phát từ suy nghĩ của nhiều người về việc sử dụng đồ cũ. Đặc biệt là những người mới khởi nghiệp rất e dè khi dùng đồ cũ, họ cho rằng, các cửa hàng, cửa hiệu trước đó có bị thua lỗ, phá sản mới phải thanh lý. Nên việc sử dụng những vật dụng đó sẽ “mang” cái vận đen của chủ cũ. “Nếu người mua đồ cũ gặp rủi thì tôi phải là người đầu tiên hứng chịu vì tôi chính là người mua lại tất cả những đen đủi của họ, trong khi việc kinh doanh của tôi lại đang tốt lên từng ngày”, anh cười hóm hỉnh.
Hiện khách hàng của anh rất đa dạng do anh có thể giải quyết nhu cầu của nhiều đối tượng, từ những người có thu nhập thấp, cần những vật dụng thiết yếu cho cuộc sống với mức giá phải chăng theo phương châm “cũ người mới ta”, đến những ông chủ sở hữu các chuỗi nhà hàng lớn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Anh còn cho biết thêm, dù đến đây mua đồ cũ nhưng nhiều khách hàng đi ô tô cả vài tỷ đồng. Theo anh, họ là những người biết tính toán, và quan trọng hơn là hàng hóa do anh cung cấp có thể đáp ứng tốt các nhu cầu, ngay cả khi đó là những hợp đồng lớn, cần sự đồng bộ về mẫu mã, sản phẩm.
Không chỉ có vậy, anh còn có những đội thợ lành nghề chuyên về điện tử, điện lạnh, đồ gỗ, nhôm kính để phục vụ các nhu cầu và sẵn sàng bảo hành từ 6 tháng đến 1 năm đối với sản phẩm nên khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng khi mua hàng của anh.
Không chỉ dừng lại ở việc mua đi, bán lại các vật dụng đã qua sử dụng, anh còn có dự định táo bạo: “Mục đích lớn nhất của tôi là sẽ xây dựng khu chợ này thành chợ đồ cũ lớn nhất Thủ đô. Mọi người sẽ đến đây giao dịch, mua bán, ký gửi, thậm chí là trưng bày các cổ vật có giá trị để khách thập phương có thể tới chiêm ngưỡng và thẩm định về giá trị. Tiến tới, khu chợ này sẽ thành một địa điểm du lịch độc đáo, khác lạ của Hà Nội”, anh tâm sự. Tuy nhiên, bản thân anh cũng ý thức được rằng để làm được những việc đó, anh cần phải có thời gian chừng 5-10 năm nữa.
Sắp tới, khi chợ đồ cũ ở Hà Nội đi vào hoạt động ổn định, anh sẽ “Nam tiến”, mở một mô hình chợ tương tự để tạo địa chỉ cho những người có thu nhập thấp và cả những người có thú vui sưu tầm “hàng độc, hàng hiếm” trao đổi, mua bán./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét