Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Chân dung ông trùm đồ cũ miền Bắc


Khu chợ đồ cũ của ông "Thưởng đồ cổ" rộng tới 20.000 m2, trong đó khu nhà xưởng trưng bày rộng 6.000 m2.
                                 Ông Nguyễn Văn Thưởng, quê huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.

Khu chợ đồ cũ, đồ cổ của ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Thưởng Thưởng nằm trong chính khu chợ đầu mối phía Nam, thuộc thôn Cổ Điển, xã Hải Bối, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Với tổng diện tích lên đến 20.000 m2, khu nhà xưởng trưng bày đồ và khu sửa chữa cũng ngót nghét 6.000 m2 cùng hơn 10 xe tải chuyên chở. Hiện khu này có khoảng 100 nhân công làm việc và kế hoạch năm tới sẽ tăng lên 200 người, chia thành 6 tổ (nhôm kính, inox, điện tử, điện lạnh, bàn ghế và lái xe) cùng 3 bộ phận (kế toán, marketing, bán hàng online). Về số lượng và chủng loại hàng hóa thì nhiều tới mức khó có thể thống kê thành con số cụ thể.

Qua 3 năm hoạt động ở đây, chợ đồ cũ của ông Thưởng trở thành là trung tâm mua bán đồ cũ có một không hai ở miền Bắc.
Theo ông chủ người gốc Bắc Giang, ý tưởng thành lập khu chợ đặc biệt này ra đời vào khoảng 4 năm trước.

Vào khoảng đầu năm 2008, ông ra Hà Nội làm dịch vụ chuyển nhà và văn phòng trọn gói. Sau 3 tháng, xót xa cho giá trị của những đồ dùng tốt mà lại bị bỏ đi, trong khi hoàn toàn có thể tái sử dụng dành cho những người khác đang có nhu cầu, ông Thưởng quyết định mở thêm xưởng bán đồ thanh lý trên mảnh đất ven đô.

Ban đầu, ông thuê được mặt bằng khoảng 500 m2 ở trên đường cao tốc gần chân cầu Thăng Long. Sẵn nguồn hàng, ông Thưởng tận dụng việc dọn đồ và vận chuyển cho khách, đổi bằng công hoặc mua lại với giá thấp những đồ đạc được gia chủ thanh lý, rồi về cất và sửa chữa lại ở kho. Nhu cầu lớn dần, đòi hỏi ông phải tìm mặt bằng rộng hơn, vừa làm nơi chứa đồ, vừa làm nơi trưng bày và bán sản phẩm.

Cùng lúc đó, chợ đầu mối phía Bắc được UBND TP Hà Nội và huyện Đông Anh khai trương từ năm 2003, nhưng có nguy cơ trở thành bãi đất bỏ hoang vì không thu hút được tiểu thương vào buôn bán ở chợ. Với hơn 30.000 m2 tọa lạc ở vị trí đắc địa, vốn đầu tư lên đến 13 tỷ đồng, phần lớn diện tích sử dụng bị bỏ hoang, chợ chỉ hoạt động cầm chừng vài tiếng đồng hồ từ 4-6h sáng, chủ yếu là kinh doanh giết mổ gia cầm, buôn bán gia súc, mặt hàng thủy sản đông lạnh...

Ông Thưởng đã chủ động thuê lại các ki-ốt từ những tiểu thương đã trúng thầu nhưng không còn muốn kinh doanh, cải tạo làm nhà xưởng lưu kho và bán sản phẩm đồ cũ, đồ thanh lý, với tổng diện tích hơn 20.000 m2. Từ đó, chợ đồ cũ, đồ cổ ra đời.



Gian hàng bếp và đồ gỗ trong chợ đồ cũ
Lập nghiệp đủ nghề

Hơn 20 năm kinh doanh ở Bắc Giang, ông Thưởng là người nhanh nhạy và va vấp nhiều ngành nghề trên thương trường. Riêng với đồ cũ, đồ thanh lý, thì dường như trở thành tiền duyên. Ông từng dựng nguyên một cây xăng hoàn toàn là sắt thép ngoại thanh lý nhưng chất lượng còn rất tốt mà theo ông, thép mới sản xuất trong nước còn khó bì kịp.

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, tự ông mở một xưởng sản xuất bia cũng bằng phế phẩm như thế. Vậy mà kinh doanh suốt 20 chục năm cho đến ngày đóng cửa, xưởng vẫn hoạt động trơn tru.

Khi việc kinh doanh ở xưởng bia manh nha lung lay đổ vỡ, ông Thưởng giao lại xưởng cho vợ quản lý, tìm cách ra Hà Nội chọn hướng làm ăn khác. Cứ thế dòng xoáy thị trường đưa đẩy ông đến với công việc kinh doanh hiện tại: Buôn bán đồ cũ, đồ thanh lý, đồ cổ, sau đó là mua bán nợ và thanh lý nhà xưởng, công ty.

Ban đầu, nguồn hàng không khó tìm nhưng để tìm được mặt bằng tốt và quảng bá cho mọi người biết đến thực sự là bài toán hóc búa. Theo ông Thưởng, thay đổi tư duy dùng đồ cũ của người Việt là nan giải nhất. Người Việt thường có tâm lý e ngại sử dụng những đồ đạc cũ, thậm chí là sĩ diện khi sợ người khác biết mình mua những món đồ đã qua sử dụng. Việc mua bán đồ cũ, đồ thanh lý được mặc định dành cho những người khó khăn về kinh tế và keo kiệt với túi tiền của mình.

Xe tải chuyên chở luôn sẵn sàng nhận hàng
Ông Thưởng dành nhiều tâm sức để quảng bá hình ảnh của khu chợ, bằng cách lập công ty, quảng bá trên website, diễn đàn chợ đồ cổ, chợ đồ xưa… Công ty cũng có riêng một bộ phận marketing và bán hàng online khá năng động và hiệu quả.

Chia sẻ về hướng kinh doanh tương lai, ông Thưởng cho biết, chợ sẽ phân khu chuyên môn hóa nhà xưởng để tách bạch rõ ràng hai khu kho bãi sửa chữa gia công và khu bày bán sản phẩm và chuyên nghiệp hóa nhân sự nòng cốt. Ông chủ chợ cũng lên kế hoạch để ra mắt một khu chợ văn hóa cuối tuần với ý nghĩa là một nơi giao lưu, trao đổi hoặc buôn bán những món đồ quý giá và độc đáo dành cho những người sưu tầm và yêu thích đồ cổ cũng như mọi người đến chiêm ngưỡng.

Theo CafeF/TTVN

Cơ ngơi trăm tỷ đồng của 'vua đồ cũ' Nguyễn Văn Thưởng

Từng tấm kính vỡ, chiếc ghế inox han rỉ, bong mối hàn, bộ bàn ghế cũ, đồ dùng lỗi mốt được thân chủ bỏ, thanh lý, thấy “tiếc của”, Nguyễn Văn Thưởng đã mua lại về lau chùi, gia cố rồi đem ra bày bán. Từ số vốn ít ỏi đến nay, tài sản của "vua chợ đồ cũ” đã có giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tận dụng đồ cũ khi còn trong quân ngũ
Người đàn ông có dáng người thấp nhỏ, trên tay cầm chiếc giẻ, cẩn thận lau chùi các vết cáu bẩn bám quanh chiếc bếp inox cũ, rỉ vừa mua được. Đó là Nguyễn Văn Thưởng (45 tuổi), ông “vua chợ đồ cũ” ở chợ đầu mối Bắc Thăng Long, Hải Bối, Đông Anh, Hà Nội.
                            "Vua chợ đồ cũ" Nguyễn Văn Thưởng đang lau chùi chiếc bếp inox cũ
                                            vừa mua thanh lý được. Ảnh Xuân Hải.                    

"Vua chợ đồ cũ" Nguyễn Văn Thưởng đang lau chùi chiếc bếp inox cũ vừa mua thanh lý được. Ảnh Xuân Hải.
Trong căn phòng làm việc của “vua chợ đồ cũ”được bày biện khá đơn giản, bên cạnh bộ bàn ghế nan gỗ đã sờn là chiếc bàn nhỏ để bộ máy vi tính. Chỉ bộ bàn ghế đang ngồi anh Thưởng cho biết: “bộ bàn ghế này làm bằng gỗ sưa đấy, tôi mua được cách đây 5 năm rồi, nhìn đơn giản, cũ như vậy nhưng bây giờ nó có giá hơn 100 triệu đồng”. Rót nước mời khách, anh Thưởng kể về cơ duyên đã dẫn anh đến với việc kinh doanh đồ cũ.
Sinh ra ở vùng quê nghèo xã Ngọc Thiện, Tân Yên, Bắc Giang, gia đình Nguyễn Văn Thưởng còn nghèo, khó khăn hơn bởi có tới 10 anh chị em, là con thứ 5 trong gia đình Thưởng cũng phải sớm ra đồng như bao anh chị em khác và cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình đến khi anh đi bộ đội năm 1986.
Với tính cẩn thận, chịu khó, trong quân ngũ những đồ dùng của Thưởng lúc nào cũng sạch sẽ, từng cái bát, cái thìa cũ của anh em vứt bỏ được anh nhặt về cọ rửa lại như mới.
Năm 1989, rời quân ngũ trở về địa phương, khi đó vùng quê nghèo Ngọc Thiện còn chưa có điện lưới quốc gia, tận dụng nguồn nước sông, suối bà con nơi đây phải dùng thủy điện nhỏ. Mạnh dạn vay vốn bạn bè, Nguyễn Văn Thưởng xin đấu thầu lại trạm thủy điện nhỏ của xã để đầu tư, nâng cấp cung cấp điện cho bà con làng xóm.
Đến năm 1995, do nguồn nước cạn dần và để phục vụ cho nông nghiệp, thủy điện tạm dừng, tích luỹ được ít vốn liếng, anh Thưởng lại chuyền nghề kinh doanh sang sản xuất bia vi sinh rồi mở cây xăng nhỏ.
Để tiết kiệm chi phí mở xưởng sản xuất bia vi sinh, anh Thưởng đã tìm mua những thiết bị đồ dùng đã cũ hoặc các xưởng bia thanh lý đem về lắp đặt, việc làm này đã tiết kiệm cho anh khoảng 60% chi phí.
Cuối năm 2008, do đời sống của bà con ngày càng được nâng cao, việc kinh doanh bia vi sinh trở lên khó khăn, Nguyễn Văn Thưởng kéo theo gần 10 lao động ở quê ra Hà Nội mở dịch vụ chuyển nhà thuê.
Ban đầu khi chuyển nhà, thấy nhiều gia đình vứt, bỏ đi nhiều vật dụng cũ, hư hỏng, Thưởng lại xin về gia cố để sử dụng. Sau đó, công việc ngày càng nhiều anh xin mua lại đồ cũ của các gia đình chuyển nhà để đem về gia cố, sửa chữa và bán lại với giá vừa phải kiếm chút lời. Công việc mới đầu tưởng chừng không suôn sẻ, ít hỏi mua nhưng khi biết rất nhiều người tìm đển để mua đồ dùng cũ.
“Những đồ dùng của người này chán bỏ đi nhưng đối với người không có lại rất thích”, anh Thưởng cười nói.
Có hàng trăm tỷ nhờ kinh doanh đồ cũ
Công việc kinh doanh đồ cũ, phế liệu ngày càng phát triển, nhu cầu “mua đồ cũ” của người dân rất lớn, đầu năm 2009, Nguyễn Văn Thưởng đã thuê của hàng rộng 500 m2 nhưng vẫn không đủ sức chứa.
Trong thời điểm này ở Hà Nội rất nhiều cửa hàng, quán, cơ quan bán đồ thanh lý, từ những đồ dùng của quán phở giải nghệ đến, quán cà phê, văn phòng, công ty tư nhân hay doanh nghiệp nhà nước thanh lý đồ cũ đều có người giới thiệu đến bán cho anh.
                                             Chợ đồ cũ rộng hơn 10.000m2. Ảnh Xuân Hải.

Chợ đồ cũ rộng hơn 10.000m2. Ảnh Xuân Hải.
Tháng 6/2009, Nguyễn Văn Thưởng đã tìm đến các hộ tiểu thương của chợ đầu mối Bắc Thăng Long để thuê lại tất cả các gian hàng trong khu vực bán hàng nông sản để mở “chợ bán đồ cũ”, với tổng diện tích hơn 10.000m2. Số người lao động tham gia làm việc tại chợ đồ cũ lên đến hơn 100 người. Đây cũng là chợ đồ cũ với quy mô lớn nhất cả nước.
Anh Thưởng cho biết, thấy chợ đầu mối Bắc Thăng Long của Tổng công ty thương mại Hà Nội “bỏ hoang” thấy tiếc tôi đã tìm đến thuê lại các hộ dân có gian hàng ở đây với thời gian là 20 năm để thành lập “chợ đồ cũ”.
                               Hàng hóa được bày cả ra ngoài khuôn viên chợ. Ảnh Xuân Hải.
                                       Thậm chí để tràn cả lên bãi cỏ bên trong khuôn viên chợ.
                                   Bên trong khu vực ngành hàng nông sản được thay thế bằng
                                                các mặt hàng dân dụng của chợ đồ cũ.
                                                        Khu vực bày bán ghế nhựa cũ.
                                     Khu vực bày bán đồ dùng văn phòng, quán cà phê cũ.
                               Xưởng gia cố đồ cũ cũng nằm trong một góc khu vực chợ nông sản.
                      Bồn nước, kệ để hàng bằng inox được bày ngay lối ra vào khu nhà chính của chợ.
                           Từ ly cà phê, bếp nấu bằng cồn, đĩa sứ cũ đủ loại được bày bán tại đây.
                                         Khu vực đồ điện dân dụng cũ tràn ngập cả lối đi.


Từ những vật dụng trong gia đình đến những phế liệu xây dựng có khối lượng lớn ở chợ đồ cũ của Nguyễn Văn Thưởng đều có cả. Chính vì vậy nhiều người trong nghề kinh doanh gọi anh là “vua chợ đồ cũ”.
Tham quan khu chợ đồ cũ, xung quanh lối đi rộng khoảng 3m tràn ngập các mặt hàng, đồ dùng xếp ngăn nắp, cao ngất theo từng khu vực. Chợ chia thành 2 khu vực nhà xưởng riêng biệt, một xưởng rộng hơn 5000m2 để bày bán những đồ dùng, vật dụng trong sinh hoạt gia đình. Những bộ bàn ghế, ấm chén uống nước đến chiếc giường, tủ, nồi niêu…tất cả được xếp ngay ngắn trên nhưng giá kệ cao hơn 10m.
Xưởng bên cạnh lại được bày bán những đồ dùng cũ để kinh doanh như mở quán cà phê, cơm phở, đồ điện tử.
Đang dẫn tôi đi thăm chợ, anh Thưởng lại có điện thoại của doanh nghiệp sản xuất kính hẹn đến lấy hàng. “Từ những tấm kính vỡ nát nếu vứt bỏ ra môi trường rất có hại, nguy hiểm nhưng tôi đã thu gom về lau rửa sạch sẽ để bán lại cho nhà máy sản xuất kính, đấy cũng là tiền cả”, anh Thưởng cho hay.
Ngoài khu chợ đồ cũ ở Hà Nội, mới đây Nguyễn Văn Thưởng đã mở thêm “chợ đồ cũ” ở Tân Yên, Bắc Giang, rộng hơn 5000m2, tạo việc làm thêm cho 20 lao động tại địa phương.
“Khi thấy tôi mua lại những đồ, vật dụng cũ bỏ đi nhiều người nhìn tôi cười bảo “đồ hâm” nhưng tôi quyết tâm làm nhằm thay đổi cách nghĩ của nhiều người rằng đồ cũ không phải là đồ bỏ đi”, anh Thưởng nhấn mạnh.
Từ ý tưởng táo bạo, ý chí vươn lên thoát nghèo, việc kinh doanh đồ cũ ban đầu nhiều người cho Nguyễn Văn Thưởng là gàn dở nhưng chỉ qua 4 năm việc kinh doanh đã mang lại cho ‘vua chợ đồ cũ” hàng trăm tỷ đồng.
Xuân Hải
Nguồn http://infonet.vn

Khám phá Chợ đồ cũ độc nhất vô nhị ở Hà thành


Ở khu chợ ấy, có đủ các mặt hàng từ “thượng vàng hạ cám”, người đến đây mua, không chỉ là người ít tiền, ham của rẻ mà còn có cả người thích sưu tập đồ “độc”, giới chơi đồ cổ, giới thương gia, nghệ sỹ…
Chắc mọi người đang thắc mắc khu chợ ấy tên là gì, ở đâu và có bán những đồ gì?. Hãy cùng bật mở điều bí mật ấy nhé...

Đi chợ mua đồ cũ

Chỉ mới tồn tại không bao lâu trong lòng thủ đô nhộn nhịp, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 5-7 cây số, chợ nằm ngay chân cầu vượt Thăng Long thuộc địa phận xã Hải Bối - huyện Đông Anh. Chợ được hình thành từ ý tưởng "tiết kiệm" của ông chủ Thưởng, vốn là một người làm dịch vụ chuyển nhà chuyên nghiệp, sau khi thấy nhiều sản phẩm của người dân vứt đi nhưng vẫn còn có thể sử dụng được, ông nghĩ với những đồ như vậy thì còn phù hợp với nhu cầu của rất nhiều người, bởi vậy ông đã mang về và hình thành nên chợ đồ cũ từ đó.
Chợ đồ cũ Thưởng Thưởng giờ đã trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc không chỉ với những người có thu nhập thấp, mà ngay cả những người có thu nhập cao, thậm chí có cả những vị khách nước ngoài cũng tìm đến với chợ. Đơn giản đến đây họ có thể tha hồ lựa chọn những vật dụng dù là nhỏ nhất, đến những vật dụng đắt tiền mà lại phù hợp với túi tiền cũng như khả năng kinh tế của mọi người.

Được một người bạn giới thiệu qua về chợ, trong vai một người khách tôi tìm đến chợ đồ cũ với mục đích vừa là để tìm hiểu nét độc đáo của chợ đồ cũ có một không hai này, vừa là để đích mục sở thị những sản phẩm mà người bạn tôi cho rằng " đồ tốt, giá rẻ". Bước vào cổng chợ, nhìn những vật dụng nằm ngổn ngang ngay phía bên ngoài thì chẳng ai nghĩ đó là cái chợ cả, mà theo cảm nhận của tôi thì nó trông giống như một cái nhà kho hơn là giống một cái chợ. Tuy nhiên, khi đi sâu vào trong chợ là một hình ảnh hoàn toàn khác so với bên ngoài, chợ được chia thành 3 khu riêng biệt, một khu bày bán đồ nồi thất, đồ gỗ và đồ giả cổ, một khu bày bán đồ điện dân dụng, đồ gia dụng, và khu còn lại là xưởng tái chế.
                                                       Chợ đồ cũ Thưởng Thưởng

Chợ đồ cũ Thưởng Thưởng
Bước vào chợ một cô nhân viên nhỏ nhắn, với nước da trắng và nụ cười thân thiện tiến lại phía tôi chào hỏi rất niềm nở. Sau khi nghe tôi nói muốn tìm mua một vài thứ đồ cũ cho ngôi nhà của mình, cô nhân viên giới thiệu tên Hạnh đã đưa tôi dạo quanh một vòng chợ vừa đi Hạnh vừa nói " ở khu chợ này anh có thể tìm mua được nhiều thứ đồ khác nhau, từ bát đĩa, nồi niêu xoong chảo, sofa, giường tủ, đến đồ điện tử như tivi, tủ lạnh, điều hòa thậm chí có cả các đồ giả cổ hay đồ cổ" Hạnh vừa nói vừa chỉ tay về phía các đồ dùng để giúp tôi có thể lựa chọn được tốt nhất. Một điều khá đặc biệt đó là tất cả mọi đồ đạc trong chợ đều như mới và được đặt bên cạnh đồ cũ, đồ hư hỏng những thứ mà các gia đình, các văn phòng...khi chuyển nhà hoặc khi muốn thay đổi phong cách, họ muốn đẩy ra khỏi nhà mình càng nhanh càng tốt, mọi thứ đồ đó hiện đang được tập chung tại khu chợ này, và giờ nó đang được chờ để tái chế, để thay mới và khoác lên mình những bộ cánh mới hơn để chuẩn bị cho một cuộc sống mới, hay như những người thợ ở đây vẫn thường nói đó là giúp nó "hồi sinh" lại.
                                           Đồ điện cũ được sửa chữa và bán lại với giá rẻ

Đồ điện cũ được sửa chữa và bán lại với giá rẻ
Dừng lại bên bộ bàn ghê sofa màu cacao kiểu dáng cũng khá sang trọng, tôi hỏi Hạnh giá của sản phẩm đó là bao nhiêu vì tôi biết bộ sofa này ở ngoài thị trường giá của nó khoảng trên dưới 50 triệu đồng. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên khi Hạnh nói về giá của sản phẩm, vì giá mà cô đưa ra rẻ chỉ bằng 50 % - 70 % so với giá sản phẩm ngoài thị trường mà tôi được biết, Hạnh giải thích " đây là hàng cũ đưa về và đã được bọc da lại, mọi người nhìn qua thì nó như là hàng mới, nó rẻ vì nó là hàng cũ, hàng tái chế". Như Hạnh giới thiệu thì không chỉ có những bộ sofa giá rẻ như vậy, mà còn rất rất nhiều các vật dụng khác và giá của nó thì cũng không đắt một chút nào, rồi cô lại tiếp tục dẫn tôi đi qua những khu khác...

Tạo thương hiệu "chợ đồ cổ" từ uy tín và niềm tin

Với sự phong phú đa dạng mặt hàng, hấp dẫn về giá cả và giá trị đồ vật, phong cách phục vụ văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp. "Chợ đồ cũ" Thưởng Hưởng đã vươn lên khẳng định là một khu chợ văn hóa là điểm đến không chỉ của người dân Hà Thành, mà của cả người dân các tỉnh lân cận, thậm chí cả những người nước ngoài cũng đền đây để tìm cho mình những đồ dùng cần thiết. Để có được uy tín và niêm tin như vậy anh Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Công ty Thương mại và dịch vụ Thưởng Hưởng cho biết : "khách hàng đến đây có thể tự do lựa chọn sản phẩm nào mình ưng ý nhất để mua, giá cả lại hợp lý. Điều đặc biệt đó là khi mua hàng rồi nếu như có hỏng hóc gì đó thì công ty sẽ cử nhân viên đến tận nơi bảo hành, sửa chữa. Cùng với đó, khâu kiểm tra, lựa chọn và khắc phục lại một số lỗi của sản phẩm luôn được đề cao theo phương châm: "Chất lượng sản phẩm là thương hiệu của doanh nghiệp". Đến chợ, khách hàng sẽ được nhân viên giới thiệu từng gian hàng, từng khu vực sản phẩm theo nhu cầu, các đặc tính nổi bật và cả những khiếm khuyết của sản phẩm. Đặc biệt, khi mua sản phẩm về, nếu có vướng mắc, khách hàng có thể gửi trả lại Công ty và được hoàn trả lại toàn bộ số tiền".
                                      Không chỉ có đồ điện, đồ gỗ và đồ giả cổ cũng rất nhiều

Không chỉ có đồ điện, đồ gỗ và đồ giả cổ cũng rất nhiều
Không giống như bất kì một nơi bán hàng nào, ở đây từ ông chủ Thưởng đến các nhân viên bán hàng đều sẵn sàng giới thiệu với khách hàng, những đồ ở đây đều là những đồ tái chế, và giá của nó rẻ vì nó là đồ tái chế và họ rất tự hào vì điều này. Một bộ phận không thể tách rời với chợ đồ cũ này, và cũng là bộ phận làm nên uy tín, và khẳng định chất lượng các đồ vật dụng đã qua tái chế đó là hơn 50 nhân viên, thợ sửa chữa thuộc nhiều ngành nghề khác nhau như điện, cơ khí, thợ kính... những nhóm công nhân chuyên nghiệp dần hình thành với thu nhập trên dưới 5triều đồng / tháng. Đã có những thợ lành nghề tìm đến với xưởng tái chế này, anh Lê Đình Tuấn một thợ sủa chữa kính ở đây tâm sự: "tư tưởng của mình làm với chú Thưởng thì thoải mái, đâm ra lúc nào mình cũng kiên trì gắn bó ở đây".

Một cái chợ giúp tiết kiệm tối đa chi phí cho người sử dụng khi mua sắm, mà vẫn đạt hiệu quả cao về giá trị thẩm mỹ cũng như chất lượng sản phẩm. Một bài toán mang lại hiệu quả kinh tế từ đức tính lao động tiết kiệm và cần cù của ông chủ Thưởng, lại vừa tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, vừa tăng lại giá trị thực tế, góp phần khuyến khích người dân mua sắm tiết kiệm, quả là một công đôi ba việc. Còn với riêng tôi, tôi đã được đích mục sở thị khu chợ đồ cũ này và cũng kịp tìm cho mình một số vật dụng cần thiết, vừa tiết kiệm chi phí vừa tìm được đồ ưng ý.
(Theo GĐVN)

Mở “siêu thị” bán đồ cũ


Ông Nguyễn Văn Thưởng mở một “siêu thị” chuyên bán đồ cũ rộng hơn 3.000m2 ngay dưới chân cầu Thăng Long (xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội), thu hút hàng trăm lao động vào làm việc.
Ông Nguyễn Văn Thưởng - Giám đốc Công ty thương mại và dịch vụ Thưởng Thưởng chia sẻ: “Ngôi chợ này tôi mở từ năm 2008. Thời điểm đó, tôi đã bỏ cả trăm tỷ đồng để thu mua đồ cũ, mở xưởng để tái chế lại rồi bán. Trước đó, tôi có xưởng sản xuất bia ở Bắc Giang, khi bỏ xuống Hà Nội buôn đồ cũ nhiều người e ngại bởi quan điểm của người Việt còn dè dặt khi sử dụng đồ cũ”.

                                                        Xưởng sửa chữa đồ cũ của ông Thưởng.

Xưởng sửa chữa đồ cũ của ông Thưởng.
Say mê với việc tìm đồ cũ để chắp nối sản xuất nên những rào cản ấy chỉ là khó khăn ban đầu. Ông Thưởng nói: “Khi mới thành lập chợ, người dân xung quanh phản ứng rất ghê vì sợ tôi buôn đồng nát, phế liệu làm ô nhiễm. Nhưng quan điểm của tôi rất rõ ràng: Buôn bán đồ cũ chứ không phải đồ đồng nát”.
Theo ông Thưởng, trong khi nhiều gia đình nghèo chưa có đồ gia dụng như tủ lạnh, ti vi… thì nhiều tổ chức, cá nhân luôn “đổi mốt” nội thất cho căn nhà, văn phòng của mình. Vì vậy, ông tổ chức thu gom lại, cái nào tốt thì bán ngay, cái nào cần sửa chữa thì ông tổ chức một đội ngũ thợ làm việc này, sao cho sản phẩm tới tay người tiêu dùng có chất lượng tốt nhất, giá rẻ nhất.
Bên cạnh khu chợ, cơ sở thu mua đồ cũ và xưởng tái chế của ông đã và đang tạo việc làm ổn định cho hơn 100 thanh niên, với thu nhập bình quân 3 - 5 triệu đồng/tháng. Nguyễn Văn Hưng, 30 tuổi (Tân Yên, Bắc Giang) cho biết: “Gia đình em làm nông. Khi biết đến xưởng tái chế của anh Thưởng, em đến học việc và hiện đã thành nghề, được trả lương 3 triệu đồng/tháng”.
Ông Thưởng cho biết, khi xưởng đã hoạt động ổn định, nhiều người có nghề hẳn hoi cũng đầu quân cho ông. Nguyễn Xuân Phú, 31 tuổi (Tân Yên, Bắc Giang) bộc bạch: “Mình học ngành cơ điện - Đại học Công nghiệp Hà Nội. Vào đây làm nghề, mình có thu nhập khá ổn định - 7 triệu đồng/tháng và cũng có cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với các bạn khác”.
Được biết, thời gian tới ông Thưởng sẽ tiếp tục đầu tư chuyên sâu hơn để buôn bán, gia cố những đồ vật cổ có giá trị lịch sử. Ông cũng dự định mở riêng một gian hàng chuyên bán các mặt hàng này, nhằm tạo nên một không gian chợ chuyên nghiệp.

Ngô Xuân
Theo: Dân Việt

Ông Vua Đồ Cũ

Mọi người vẫn quen gọi Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Thương mại và dịch vụ Thưởng Hưởng là “Vua đồ cũ”. Có lẽ anh mang biệt danh này vì đang kinh doanh hàng ngàn vật dụng cũ, từ bát, đĩa, ấm chén, đến những hàng cao cấp tranh đồng, tranh khảm trai,… với rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã, chủng loại và nguồn gốc xuất xứ.




Khơi nguồn ý tưởng

Hai khu chợ rộng hơn 5000m2 với hàng ngàn sản phẩm có số vốn cả tỷ đồng. Nhiều người chép miệng: Số vốn ấy có nhiều lĩnh vực để đầu tư kinh doanh, dại gì đầu tư vào những sản phẩm cũ. Ngay cả người thân trong gia đình anh đều cho đây là một quyết định táo bạo, viển vông. Nhưng anh chia sẻ: Quan niệm của người Việt còn rất dè dặt khi sử dụng đồ cũ vì họ cho rằng trang hoàng cho ngôi nhà mới hay cửa hàng mà dùng đồ cũ sẽ không may mắn. Một số khác thì lại ngại ngùng với người xung quanh. Song ở một số nước giàu như Mỹ, Nga, Nhật Bản…khi mua sắm, thay mới nội thất, tất cả những vật dụng cũ đều được đưa tới các chợ đồ cũ ký gửi để bán cho những người có thu nhập trung bình hoặc thấp. Chẳng hạn ở Mỹ có chợ đồ cũ Highway 127, ở Nga có chợ đồ cũ ở Moscow; ở Nhật Bản có ngày hội Mottainai, kêu gọi phong trào tiết kiệm trong cộng đồng, tận dụng triệt để những sản phẩm hữu ích thay vì mua mới hoặc vứt đi. Nước giàu họ còn quan niệm như vậy, với đất nước Việt Nam vẫn đang trên đà phát triển cần phải đẩy mạnh phong trào tiết kiệm hơn nữa. Việc tận thu và sử dụng đồ cũ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà về lâu dài nó còn góp phần bảo vệ môi trường và ý nghĩa cộng đồng rất lớn.

Anh Thưởng quả quyết: Không nằm rải rác kéo dài tới 1.086 km như chợ đồ cũ Highway 127 hay có nhiều món đồ độc đáo như chợ Moscow, Chợ đồ cũ của Công ty Thưởng Hưởng được phát triển theo hướng như một khu chợ văn hóa du lịch với các sản phẩm đa dạng, từ đồ cổ đến những mặt hàng mới, tạo ra một không gian chợ vừa mang phong cách cổ kính, vừa pha chút hiện đại, phục vụ được tất cả mọi xu hướng tiêu dùng, của mọi đối tượng khách hàng. Có thể từ những món đồ độc đáo, hấp dẫn tại chợ sẽ đem lại niềm vui, sự thoải mái cho quý khách. Và biết đâu, với những sản phẩm cũ, cổ lại là những kỷ vật in dấu bao kỷ niệm của mình, với gia đình và người thân mà du khách đang kiếm tìm.

Khẳng định uy tín

Trông các sản phẩm bóng lộn, sang trọng như mới tại chợ của Công ty, nhiều người cho rằng sản phẩm chắc hẳn phải qua tân trang và nghi ngờ về chất lượng. Để xóa đi sự ngờ vực này, Công ty đã thực hiện một chế độ bảo hành, bảo dưỡng hậu mãi nhằm đem lại một chất lượng dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng. Cùng với đó, khâu kiểm tra, lựa chọn và khắc phục lại một số lỗi của sản phẩm luôn được đề cao theo phương châm: “Chất lượng sản phẩm là thương hiệu của doanh nghiệp”. Đến chợ, khách hàng sẽ được nhân viên giới thiệu từng gian hàng, từng khu vực sản phẩm theo nhu cầu, các đặc tính nổi bật và cả những khiếm khuyết của sản phẩm. Đặc biệt, khi mua sản phẩm về, nếu có vướng mắc, khách hàng có thể gửi trả lại Công ty và được hoàn trả lại toàn bộ số tiền.

Sau hai năm đi vào hoạt động, Thưởng Hưởng đã từng bước khẳng định uy tín, tạo hiệu quả kinh doanh và giải quyết việc làm ổn định cho trên 100 lao động. Hàng ngày Công ty Thưởng Hưởng còn nhận hàng trăm hợp đồng mua hàng qua mạng ở hầu khắp tỉnh thành trong cả nước. Công ty đã vươn tới được các đối tượng khách hàng khó tính như các nhà hàng, khách sạn, với việc nhận thầu trọn gói từ việc cung cấp thiết bị đến việc tư vấn, thiết kế, trang trí nội thất. Trong mỗi công trình, doanh nghiệp đã luôn nhận được sự khen ngợi và hài lòng của khách hàng. Hướng tới, Thưởng Hưởng sẽ xây dựng thêm 3 khu chợ ở phía tây, nam và đông nam Hà Nội nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

PV
Nguồn http://vccinews.vn

Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

Triết lý kinh doanh đặc biệt của đại gia đồng nát


“Siêu thị” đồ cũ
"Siêu thị" đồ cũ ở chợ đầu mối Thăng Long, ngay phía dưới chân cầu Thăng Long (xã Hải Bối - Đông Anh - Hà Nội). Nhìn bề ngoài, khu chợ trông không có gì đặc biệt, phía bên ngoài là nơi bán hàng nông sản của các tiểu thương ở chợ đầu mối và ngổn ngang các loại đồ cũ nằm phơi nắng.
"Những cái này đang chờ để được phục chế và lên đời", tỏ ra là người thông thạo, Quân đưa chúng tôi thăm quan khu chợ có một không hai ở Hà thành.
Một góc chợ đồ cũ (ảnh lớn). Chân dung "lão gàn đồng nát" Nguyễn Văn Thưởng (ảnh nhỏ).
"Chợ Đông Kinh (Lạng Sơn) có khi không nhiều hàng bằng ở đây", một ông bạn tôi nhận xét. Quả thật, khi đã lạc vào "ma trận" hàng hóa đồ cũ ở đây thì khó dứt mắt ra được. Quan sát toàn bộ hàng hóa trưng bày tại chợ, chúng tôi choáng ngợp bởi sự phong phú, đa dạng của nó.
Gian hàng "điện tử điện lạnh" với đầy đủ các loại điều hòa, tủ lạnh, loa, các thiết bị âm thanh với nhiều chủng loại, kích cỡ và cả tuổi đời của nó. Tất nhiên chúng đều là hàng second hand. Ấn tượng nhất vẫn là khu vực bán đồ gia dụng, ở đây có rất nhiều sản phẩm có từ trước thời bao cấp, trông rất cũ nhưng vẫn sử dụng tốt. Mấy chiếc quạt cóc, quạt tai voi khi cắm điện vẫn chạy ro ro.
Độc đáo nhất là mấy chiếc ti vi "nội địa" (thực chất là ti vi "xách tay" từ Nhật về những năm trước đổi mới người dân vẫn quen gọi là ti vi nội địa) với chiếc ăn ten râu nhưng vẫn thu hình ngon lành.
Vừa dừng chiếc ô tô hiệu Camry, anh Hùng (Ba Đình - Hà Nội) thong thả lượn một vòng trong chợ đồ cũ vừa ngắm vừa chọn đồ. Anh Hùng chia sẻ: "Tôi mới biết đến chợ đồ cũ này được mấy tháng, nhưng hầu như chủ nhật nào tôi cũng qua đây tìm mua cho mình vài món đồ. Lúc thì cái ghế độc, hôm thì vài ba cái bát sứ, có hôm chả mua gì nhưng tôi cũng lượn qua đây xem có gì hay không".
Chị Mai (Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc) một trong những khách ruột của chợ đồ cũ cho biết: "Tháng trước tôi xây nhà nghỉ, được một người bạn bảo xuống đây sắm đồ đạc vừa nhiều lại vừa rẻ. Ở đây tuy là đồ cũ nhưng nhiều thứ vẫn dùng tốt, giá lại rẻ, thời buổi này tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy em ạ".
Đồng nát thời @
Sau khi nhắm được một số sản phẩm ưng ý, Quân dẫn chúng tôi gặp "lão gàn" là ông chủ của "siêu thị" đặc biệt này. Khác với tưởng tượng ban đầu của chúng tôi về một "dị nhân", ông Nguyễn Văn Thưởng - chủ chợ trông thư sinh và hiền lành đến bất ngờ.
Từng là một quân nhân, sau khi giải ngũ, ông Thưởng lao vào làm kinh tế, lúc đầu mở cây xăng, sau lại mở nhà máy nấu bia. Nhưng thế thời thay đổi, bia tư nhân không cạnh tranh được với các hãng bia lớn, ông Thưởng bán nhà máy ở quê (Tân Yên - Bắc Giang) để xuống Hà Nội lập nghiệp.
"Mỗi người có một cách nhìn khác nhau, tôi quan niệm không có thứ gì là bỏ đi cả. Một viên gạch vỡ nếu để đúng chỗ nó vẫn có giá trị và có lợi, còn nếu để không đúng chỗ thì nó là thứ vứt đi, thậm chí là có hại", ông Thưởng nói.
Sau khi đóng cửa nhà máy bia ở Bắc Giang, ông Thưởng về Hà Nội mở dịch vụ vận chuyển, dọn dẹp nhà. Trong quá trình làm, ông thấy nhiều gia đình thay đổi đồ dùng rất lãng phí, trong khi đó nhiều người khác lại không có mà dùng.
Thế là ông cùng với nhân viên đề nghị gia chủ trả công bằng... hiện vật, nghĩa là không lấy tiền công mà xin lấy đồ cũ gia chủ thải ra để mang về tu sửa lại và đem bán.
"Khi quyết định buôn đồ cũ và lập ra khu chợ này, tôi muốn thay đổi suy nghĩ của một bộ phận người dân từ người nghèo cho tới người giàu. Đó là không có thứ gì là vứt đi, tôi muốn đây sẽ là địa điểm trung gian để những người có mang ra bán hoặc trao đổi cho người cần. Nếu vứt đi thậm chí còn gây ô nhiễm môi trường, còn nếu mang đi bán biết đâu lại mang đến niềm vui cho người khác, ông bà ta vẫn thường bảo "cũ người mới ta" mà", ông Thưởng cho biết.
Sau mấy năm tồn tại, chờ đồ cũ của lão gàn đồng nát đã thu hút hàng vạn người đến mua sắm. Đặc biệt thời gian gần đây, kinh tế càng khó khăn thì những ai mở văn phòng, quán ăn, cà phê... đều rỉ tai nhau đi chợ đồ cũ của lão gàn đồng nát.
Với giới kinh doanh thì thế, người bình dân cũng muốn tìm đến đây để có cơ hội mua được những sản phẩm tốt với giá mềm mà nếu mua mới họ không đủ tiền. Nhiều khách hàng đi mua đồ mới nếu có hỏng hóc mà cần đến bảo hành nhiều khi cũng phải khóc dở mếu dở bởi dịch vụ bảo hành.
Dù là đồ cũ nhưng trước khi bán cho khách hàng ông Thưởng luôn chỉ đạo nhân viên kiểm tra kỹ lưỡng trước khi bàn giao và cũng bảo hành như... hàng mới.
"Làm nghề bán đồ cũ này phải giữ chữ tín thì mới sống được, chứ không thể chụp giật được, nếu khách hàng quay lưng thì chỉ còn cách đứng ôm mớ đồ cũ mà khóc", "đại gia đồng nát" hóm hỉnh chia sẻ.
Hà Khê
Nguồn http://www.nguoiduatin.vn